CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN TỐT NGHIỆP NGÀNH “KINH TẾ XÂY DỰNG” TẠI ĐHXD

Kinh tế xây dựng là ngành kết hợp giữa lĩnh vực kinh tế và quản lý xây dựng với những công việc cụ thể như tài chính, kế toán, thống kê; công tác lập và thẩm định dự án đầu tư các công trình xây dựng; lập, thẩm tra và thẩm định dự toán, thanh quyết toán xây dựng công trình; định giá và quản lý chi phí. Ngành Kinh tế xây dựng là ngành đào tạo truyền thống có bề dầy hơn 60 năm đào tạo của Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng. Đây là một trong những ngành đào tạo luôn luôn được ưu tiên lựa chọn của thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Xây dựng. Từ năm 2015 Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng đào tạo thêm 01 lớp Kinh tế Xây dựng Anh ngữ, viết tắt là KTE, trong đó nội dung chủ yếu vẫn như chương trình đào tạo Kỹ sư Kinh tế Xây dựng nhưng có chú trọng bổ sung Ngoai ngữ Tiếng Anh và kỹ năng mềm cho sinh viên cùng các buổi đi thực tế tại doanh nghiệp và dự án.

1. Cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp:

Theo thống kê chuyên ngành, hơn 95% sinh viên ngành Kinh tế xây dựng, Trường Đại học Xây dựng ra trường có việc làm ngay trong vòng 6 tháng đầu. Đồng thời, theo Báo Lao động, ngành Kinh tế xây dựng lọt Top 10 ngành thu hút nhất mọi thời kỳ, với thu nhập bình quân sau khi ra trường trong vòng 5 năm là 25 triệu đồng/tháng.

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm các công việc sau:

– Làm quản lý xây dựng ở các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng từ cấp Trung ương như ở các bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc nhà nước, Ngân hàng phát triển, các cơ quan quản lý đầu tư xây dựng ở các bộ khác đến các cấp địa phương: cấp tỉnh, cấp quận, huyện, như Sở Xây dựng, Sở kiến trúc Quy hoạch, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các phòng quản lý xây dựng và tài chính của các quận, huyện. Nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng các kế hoạch, chính sách và hành lang pháp lý trong lĩnh vực Kinh tế Xây dựng, thực hiện các hoạt động chuyên môn như thẩm tra, thẩm định dự án, xây dựng kế hoạch vốn và phân bổ vốn đầu tư hàng năm, quản lý tiến độ và chất lượng các dự án do nhà nước đầu tư, quyết toán vốn, ..

– Làm nghiên cứu ở các viện nghiên cứu về kinh tế và quản lý xây dựng như Viện Kinh tế Xây dựng – BXD, Viện Kinh tế Xây dựng và Đô thị, Viện Kinh tế Việt Nam,..

– Làm quản lý doanh nghiệp, đấu thầu và quản lý công trường ở các doanh nghiệp xây dựng, các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản.

– Làm tư vấn lập và phân tích dự án đầu tư, lập và thẩm tra dự toán, cung cấp dịch vụ tư vấn đấu thầu ở các công ty tư vấn đầu tư xây dựng.

– Làm thẩm định dự án tại các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm. Công việc chủ yếu là xem xét tính khả thi của dự án, đánh giá khả năng trả nợ của bên vay vốn và đề xuất hạn mức cho vay với từng dự án.

– Làm quản lý dự án tại các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư xây dựng công trình.

– Làm công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo chuyên về Kinh tế và Quản lý Xây dựng.

2. Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng – Đại học Xây dựng