CHỦ NHẬT ngày 10.9...năm 1972
Hơn 50 năm đã qua, NGÀY NÀY - NĂM ẤY những nỗi đau còn để lại.... 10.9.1972 - 10.9.2024
10h30' ngày 10 tháng 9 năm 1972 - Ngày máy bay Mỹ ném bom trường Đại học Xây dựng tại nơi sơ tán - Hương Canh, Vĩnh Phúc, lại trở về trong những hồi tưởng đau thương không thể nào quên, 63 cán bộ và sinh viên đã hy sinh.
Các thế hệ Thầy và trò đã phải hy sinh cả máu thịt, mồ hôi và nước mắt để có trường Đại học Xây dựng như ngày hôm nay.
Ngày này, mãi mãi không thể quên với mỗi người con Xây dựng - đặc biệt là với thế hệ sinh viên Hương Canh - "một thời để nhớ".
Hãy cùng dành nén nhang thơm, phút mặc niệm tưởng nhớ đến những thầy cô, CBVC và sinh viên đã mất. R.I.P
I. TRƯỚC TRẬN NÉM BOM
Năm 1970, Trường ĐH Xây dựng chuyển từ Hà Bắc lên Hương Canh, vùng đồi Hương Canh trở thành một công trường lớn. Vừa giảng dạy học tập, vừa lao động sản xuất vật liệu xây dựng. Tự dựng các dãy nhà tranh tre nứa lá, nhà bán kiên cố, đào giếng, san đồi… Chúng ta tự xây dựng tất cả các hạng mục cho nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt thời chiến, dạy và học… dù rằng đó là những nhu cầu tối thiểu nhất, nhưng cho cả hằng ngàn con người - là một khối lượng khổng lồ.
… Một khu lớp học khang trang ngói đỏ; 135 dãy nhà tranh tre nứa lá, 70 dãy nhà bán kiên cố; Hệ thống giếng đào rải rác trong các thung lũng bám sát nơi ở các Khoa. Các khu thí nghiệm, Thư viện, Nhà xưởng. Y tế, Nhà trẻ và có cả các lớp cấp 1 đầu tiên của Trường đã hình thành; Hệ thống điện với trạm điện 320KVA; Hệ thống cấp nước và 2 trạm giếng khoan; Con đường từ dốc Tài Vụ vào sân trường rộng 2 làn xe tải; San mặt bằng sân trường rộng 2 ha; San và đánh dốc khu sân khấu nổi sức chứa ngàn người…
Toàn trường phải lao động vất vả để xây dựng cơ ngơi mới đã đành - mà còn phải vắt sức ra đào hầm trú ẩn, hào phòng không.
Kinh nghiệm từ thời ở Quế Võ, Gia Lương, nó đánh mình từ trên trời - Ở đâu cũng phải hầm trú ẩn, kể cả ở trong dân. Lớp học cũng vậy, đào sâu xuống một mét, rồi đắp tường đất bao quanh… Bao nhiêu năm quen rồi, sơ tán là vậy, chiến tranh là vậy.
Chuyển lên Hương Canh, chuyện phòng không vẫn là nếp cũ. Các khu vực tập trung như Chèm, khu khai thác tre nứa ở lòng hồ Thác Bà, công trường lớn Hương Canh… người lãnh đạo phải rất chú trọng công tác phòng không, rồi cả phương án chống địch mặt đất. Nhà trường triển khai “Nếp sống quân sự hóa” và ban hành “Điều lệnh nghĩa vụ lao động thời chiến”.
Xung quanh trường, hệ thống giao thông hào dầy đặc (4 km) đã được đào bằng gầu xúc. Hầm trú ẩn tại các khu nhà ở, lớp học cũng được củng cố. Ban Giám hiệu phân công trực phòng không, trực tuần, dựng chòi báo động...
Hôm 10-9-1972 bác Hiệu phó Nguyễn Xuân Trọng, trực chỉ huy.
Dịp ấy có phong trào “Xuống đường” nhiều lớp sinh viên được điều động tham gia đảm bảo giao thông trên tuyến đường 1B (Đồng Đăng-Thái Nguyên), lại là ngày Chủ nhật nên Trường có ít sinh viên. Nhưng lại mới tuyển về 20 người cho tổ công nhân xây dựng, họ đều còn rất trẻ, tuổi dưới 30…
II. TRONG TRẬN NÉM BOM
Chủ nhật, ngày 10-9-1972.
Sáng hôm đó máy bay Mỹ đánh ở xa, phía sông Hồng. Lúc 9h30 một tốp máy bay đột ngột vòng vào Hương Canh. Bác Nguyễn Xuân Trọng chạy vội ra đánh kẻng báo động nhưng không kịp, bị ngay loạt bom đầu.
Chúng dùng bom phá, rốcket và bom cháy đánh diện rộng khắp khu đồi Hương Canh. Chúng ném bom tọa độ theo bản đồ đã do thám từ trước nên đánh và phóng rốcket rất trúng các khu nhà. Khu bán kiên cố từ dãy nhà ông Lạc đến chân dốc Tài vụ kéo dài đến khu Sân vận động chúng dùng bom phá… Nhà trẻ, Thư viện, Y tế, Xưởng Cơ và khu lớp học đều bị đánh bằng bom phá. Còn khu Gò Héo nhà tranh tre nứa lá, các dãy nhà của sinh viên các Khoa đều bị đánh bằng bom cháy.
Chúng muốn đánh hủy diệt, dùng bom phá đánh chặn tất cả các ngả đường nên không phân tán và không ứng cứu được nhau. Chúng dùng súng 12ly7 quét dọc các giao thông hào.
Anh Phạm Văn Huyến cán bộ phòng Tổ chức chết dưới lòng giao thông hào. Anh Nguyễn Đình Bính bộ môn Mác Lê, anh Chu Xuân Tảo phòng Giáo vụ và cô Nguyễn Thị Ngọc Diệu (vợ thầy Hiệu trưởng Nguyễn Sanh Dạn) làm ở Thư Viện, ba người chạy về đến ngã ba vào Gò Héo thì bị một quả bom phá. Nhà Ytế cũng bị trúng một quả bom phá... chị Đào Thị Thu đang trên bàn đẻ, chị Phạm Thị Nhật và Đỗ Thị Kim Qũy là Ytá đều chết thảm … Chị Nguyễn Thị Duyên nhân viên giữ trẻ, hôm ấy nhà trẻ đã sơ tán nhưng chị Duyên cùng đứa con 1 tuổi lại bị chết tại nhà. Chị Nguyễn Thị Rẫm nhân viên chiếu bóng của phòng Tuyên Huấn, bốn ngày sau mới tìm thấy xác dưới đống rơm gần ngã ba Gò Héo…
Cả khu Trường ở Hương Canh tan hoang. Công sức của hàng ngàn cán bộ, giáo viên và sinh viên suốt các năm 1970,1971,1972… phút chốc ngập trong đống đổ nát.
Trưa ngày 10-9-1972, Hiệu trưởng Nguyễn Sanh Dạn triệu tập gấp một hội nghị. Phải chuyển bộ máy chỉ huy sang làng Nội Phật, họp dưới hầm. Thành lập ngay một Ban giải quyết hậu quả, do Bí thư Đảng ủy Hà Trình làm Trưởng Ban, bác Nguyễn Ngọc Tế làm phó Ban. Phân công các mảng trực, phụ trách từng việc và cử người đi ngay các nơi xin trợ giúp…
Suốt ngày hôm đó cán bộ và sinh viên trong trường kiệt sức vẫn tập trung bới tìm và xác định danh tính các nạn nhân. Lòng căm thù đã lên đỉnh điểm.
Suốt ngày hôm đó các cơ quan của Huyện Bình Xuyên, của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đến giúp. Lực lượng học viên bên Trường kỹ thuật Quân sự cũng sang tham gia cứu nạn…
Suốt ngày hôm đó máy bay Mỹ vẫn quần đảo không thể chôn cất được các tử thi.
Phải chờ đến 7 giờ tối, tập trung huy động lực lượng được gần 30 người tổ chức đào huyệt. Đến 10 giở đêm, số quan tài đã chở về đủ. Tiến hành chôn cất các nạn nhân đến 5 giờ sáng mới xong.
Kiệt sức.
III. SAU TRẬN NÉM BOM.
Ngay chiều ngày 10-9-1972 huyện Bình Xuyên tổ chức lực lượng cứu nạn, chặn các xe trên trục đường Hương Canh - Vĩnh Yên yêu cầu vào Hương canh đưa người đi cấp cứu. Ngân hàng Bình Xuyên vào thống kê thiệt hại tài sản. Trong két không có tiền vì quỹ đã gửi đi trước đó. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho lệnh cấp 8 tấn gạo giúp ĐHXD. Hai xe tải chở quần áo cũng được đưa về
Việc hệ trọng trước mắt là chôn cất các nạn nhân. Bác Nguyễn Ngọc Tế lên gặp Chủ tịch Tỉnh xin cấp giấy mua 63 quan tài. Anh Thảo lái Tắc tơ đưa ngay về Hương Canh, mỗi chuyến chở được 6 chiếc… Thống kê sơ bộ, 63 nạn nhân của trường mình. Nhưng người dân xung quanh chắc cũng gặp nạn, họ lẻn vào lấy mất 03 bộ quan tài. Tối hôm đó. bác Tế huy động gỗ cấp tốc đóng được 04 bộ nữa…
Tài sản bị thiệt hại nặng nề: Gần 70 căn nhà bị đánh sập và cháy rụi. Khu lớp học tan hoang. Các thiết bị động lực, thiết bị truyền dẫn, ôtô, máy thi công, máy móc sản xuất… tổng số 63 loại thiết bị máy móc bị phá hỏng hoàn toàn. Hàng trăm dụng cụ Thể dục thể thao, dụng cụ Thí nghiệm tan tành. Trên 1000 giường sắt bị phá hủy. Trường mới mua được 20 tivi Nettyn đen trắng cũng bị vỡ nát. Kho gạo vừa nhập về 7 tấn, cháy âm ỉ suốt 3 ngày đêm…
Thiệt hại về người là đau đớn nhất: Tổng số cán bộ, công nhân viên, sinh viên và con em các gia đình bị giặc Mỹ giết hại trong trận ném bom ngày 10-9-1972 là 63 người.
Trong đó có: 6 thầy giáo; 5 sinh viên, 29 cán bộ CNV, 12 công nhân, 9 trẻ em dưới 8 tuổi, 2 người khách vì là ngày Chủ nhật nên đến thăm người nhà và một nạn nhân Nữ vô danh …
Sáu thầy giáo đó là :
+) Thầy Nguyễn Tu, sinh năm 1927 - người Quảng Nam
+) Thầy Nguyễn Đình Bính, sinh năm 1938 - người Hà Tĩnh
+) Thày Bùi Đức Diệm, sinh năm 1934 - người Hà Tĩnh
+) Thầy Vũ Kim Long, sinh năm 1928 - người Bình Định
+) Thầy Nguyễn Viết Trụ, sinh năm 1946 - người Nam Hà
+) Thầy Ngô Thế Hùng, sinh năm 1948 - người Nam Hà…
Năm sinh viên đó là :
+) Chị Lê Kim Yến, sinh năm 1952 - K15 Thủy lợi-Cảng, người Hà Tĩnh;
+) Anh Nguyễn Văn Hạnh, sinh năm 1935- Chuyên tu 69 Kinh tế, người Hải Hưng.
+) Anh Lê Kinh Tố, sinh năm 1944 – K12 Máy, người Hà Tĩnh.
+) Anh Lê Quang Thìn, sinh năm 1951 - K14 Thủy điện, người Cẩm Phả - Quảng Ninh;
+) Anh Nguyễn Thế Hùng, sinh năm 1949, là sinh viên Đại học Giao thông Đường thủy Hải Phòng, đến Hương Canh thăm chị gái là chị Hiền CBGD của Trường...
Những nạn nhân trên được chôn cất vào đêm 10-9-1972 tại một thửa ruộng 2 cấp của khu đồi giáp đường tàu hỏa. Sau này chính quyền địa phương chính thức cấp đất, Trường xây thành nghĩa trang của ĐH Xây dựng…
Giải quyết hậu quả chiến tranh, cán bộ và sinh viên trường Xây dựng lại gồng mình lên một lần nữa… Đau đớn và căm thù, nhưng vẫn phải sống, phải tiếp tục chiến đấu.
Ngay sau trận ném bom, Trường lại phân tán trên địa bàn Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Yên Lãng…
Lãnh đạo Trường lại chia nhau về phụ trách các khu sơ tán ấy. Tổ chức 1 lớp không quá 30 sinh viên, sống dựa vào dân là chính. Dựng lớp học phải đắp lũy xung quanh, lại đào hầm trú ẩn, lại thực thi nếp sống quân sự hóa…Trường phân cấp quản lý cho các Khoa, mỗi Khoa tự tổ chức một bếp ăn riêng, Trường chỉ cung cấp gạo và than, còn thực phẩm và mọi thứ phải tự lo tìm nguồn…
Vẫn là vô vàn khó khăn, nhưng nhà trường quyết tâm duy trì công tác đào tạo - Trong bất kỳ tình huống nào, dù thiên tai hay địch họa không để công tác đào tạo bị gián đoạn.
Ngay sau trận ném bom sinh viên ĐH Xây dựng vẫn lên đường nhập ngũ. Đây là đợt tuyển quân đặc biệt. Ngày 8-9-1972 Trường nhận được Quyết định nhập ngũ. Anh em được nghỉ 2 ngày về thăm gia đình, hẹn 11-9 tập trung. Ngày 10-9-1972 Mỹ ném bom xuống Trường Xây dựng. Tối 11-9-1972, tất cả đi bộ đến điểm giao quân tại xã Hoàng Kim, Yên Lãng, Vĩnh Phúc. Ngày 13-9-1972 phát quân trang. Tối 13-9-1972 hành quân lên đường. Đoàn quân lặng lẽ trong đêm, nỗi đau của ngày 10-9 tang tóc nghẹn trong nhịp thở.
Đợt nhập ngũ 13-9-1972 đặc biệt này có 134 người, trong đó có 2 thầy giáo. Hầu hết biên chế về Trung đoàn 207 Quân khu 8, chiến đấu ở chiến trường miền Tây Nam bộ...
Ngày 11-12-1972, hai tháng sau vụ Mỹ ném bom, Đảng bộ Trường tổ chức Đại hội lần thứ IV. Nghị quyết Đại hội IV đã đánh giá:
… " Giặc Mỹ đánh phá dã man và có tính hủy diệt trường ta. Hành động này đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa căm thù đang bốc cháy. Tổn thất, đau thương, nhưng mọi người càng thương yêu nhau hơn, gắn kết nhau hơn, tăng thêm sức mạnh, nghị lực chiến đấu… "
*
* *
Và hãy cùng đọc những dòng thơ HƯƠNG CANH – ĐÊM 10 – 9 của GS Lương Phương Hậu (trích trong tập thơ Tôi đi tìm tôi, NXB Hồng Đức, 2024), để cùng nhớ lại những ký ức khó quên.
Bóng tối không đủ chia
Cho ba trăm hố bom
Màn đêm không dấu nổi
Một khoảng trời rách bươm
Hố bom thành lọ mực
Những cột nhà cháy thui
Trở thành những cây bút
Viết căm thù lên trời
Trang sách ta bới lên
Bỏng hai tay phủi lửa
Bức tượng ta moi lên
Rút mảnh bom máu ứa
Bức tường gạch không nung
Lại trở về với đất
Như một miếng vá hồng
Lên đất đồi rách nát
Đêm càng thêm dữ dội
Trong tiếng đóng áo quan
Tiếng xé đêm nhức nhối
Đinh xuyên đầy không gian
Tiếng vồ tiếng gõ cửa
Sáu mươi ba oan hồn
Tiếng vồ - tiếng đòi nợ
Ních Xơn! Này Ních Xơn!
Bàn ghế nhấp nhô đi
Trong nhấp nhô đầu súng
Những vai và những vai
Gánh giữ trường Xây Dựng
Một vết thương Hương Canh
Đau cả lòng đất nước
Trong đêm dài chiến tranh
Mọi lương tâm đều thức.
(trích bài viết của thầy Nguyễn Kim Bảng - nguyên GV khoa LLCT, trưởng P HCTH)