Kết quả Khảo sát việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Xây dựng, Khoa Kinh tế & Quản lý Xây dựng

Ở Việt Nam, vấn đề tìm kiếm việc làm tốt, phù hợp với chuyên ngành được đào tạo là vấn đề rất quan trọng và bức thiết đối với người lao động, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên mới tốt nghiệp ra trường. Thực trạng sinh viên tốt nghiệp trình độ Đại học với tấm bằng tốt tuy nhiên vẫn chật vật trong việc tìm kiếm việc làm phù hợp là ngày càng trở nên khá phổ biến. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh như hiện tại ngày càng đòi hỏi ở người lao động nhiều kỹ năng và kinh nghiệm sẵn có để có cho mình được một công việc tốt với mức thu nhập khá.

“Học ngành gì – Chọn nghề gì?” luôn là một chủ đề được đông đảo mọi người quan tâm. Việt Nam được đánh giá là một trong 3 quốc gia hứa hẹn về tăng trưởng kinh tế ở Châu Á. Bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế Việt Nam có nhiều phát triển trong các lĩnh vực, trong đó không thể không kể đến sự phát triển của lĩnh vực xây dựng. Có thể dễ dàng nhận thấy, ở Việt Nam, những công trình kiến trúc mang tầm cỡ quốc tế ra đời ngày càng nhiều. Các tòa nhà cao tầng, nhà ở cho đến căn hộ, công trình giao thông công cộng… cũng ngày một được xây dựng nhiều hơn trước. Đầu tư cơ sở hạ tầng là việc làm bức thiết và được chú trọng hàng đầu. Vì thế, nhu cầu tìm kiếm, tuyển dụng người lao động cho các vị trí kỹ sư xây dựng, kỹ sư công trình, kiến trúc sư của các công ty, nhà thầu cũng tăng lên. Xây dựng là lĩnh vực được dự báo có tốc độ tăng trưởng về lao động cao nhất khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh.

Nhân lực ngành Xây dựng tính đến năm 2015 là 5 triệu người, trong đó có 3 triệu nhân lực đã qua đào tạo. Dự báo đến năm 2020, nhu cầu nhân lực phục vụ trong ngành xây dựng mỗi năm tăng thêm 400.000 – 500.000 người. Con số trên cho thấy ngành Xây dựng đang tạo ra nhiều cơ hội phát triển tốt cho các bạn sinh viên trẻ muốn thử sức mình.

Yêu cầu hiện nay là cần có một lực lượng kỹ sư xây dựng dồi dào về số lượng cũng như đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra về trình độ chuyên môn. Là ngôi trường có chất lượng đào tạo hàng đầu Việt Nam về ngành xây dựng, trường Đại học Xây dựng vẫn đang liên tục đào tạo ra những kỹ sư chất lượng nhất cho ngành Xây dựng của nước nhà.

 

Theo kết quả khảo sát tỷ lệ việc làm đối với gần 200 sinh viên tốt nghiệp ra trường năm học 2017 – 2018 của Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng, trường Đại học Xây dựng cho thấy:

– Năm học 2017 – 2018, Khoa Kinh tế & Quản lý Xây dựng có tổng cộng 193 sinh viên tốt nghiệp thuộc chuyên ngành Kinh tế Xây Dựng, trong đó đã lấy ý kiến khảo sát được của 107 sinh viên (đạt tỷ lệ 55,44%).

– Thống kê kết quả số liệu khảo sát thu về của 107 cựu sinh viên chuyên ngành Kinh tế Xây dựng có phản hồi 100% đã có việc làm, trong đó:

05 cựu sinh viên chuyên ngành Kinh tế xây dựng sau khi tốt nghiệp tự tạo công việc riêng cho mình (chiếm 4.67%)

102 cựu sinh viên có việc làm thông qua tuyển dụng của các đơn vị Nhà nước, tư nhân và các tổ chức liên doanh có yếu tố nước ngoài.

+ Có 74.77% sinh viên làm việc theo đúng ngành nghề được đào tạo; 20.56% sinh viên làm việc trong lĩnh vực có liên quan tới ngành đào tạo và chỉ có 4.67% cựu sinh viên sau khi tốt nghiệp làm công việc không liên quan lĩnh vực ngành được đào tạo. Cụ thể khảo sát có 83 SV ngành Kinh tế xây dựng làm việc tại các tổ chức tư nhân (Chiếm 77.57%); khu vực nhà nước có 08 SV (Chiếm 7.48%) và khu vực liên doanh với nước ngoài có 11 SV (Chiếm 10.28%). Kết quả khảo sát cho biết 77,64% các cựu sinh viên trên đều có việc làm trong khoảng thời gian từ 1  3 tháng sau khi ra trường; 22,36% cựu sinh viên có việc làm sau 3  6 tháng ra trường.

Kết quả khảo sát trên đã phần nào cho thấy chất lượng đào tạo chuyên ngành Kinh tế Xây dựng của Khoa Kinh tế & Quản lý Xây dựng cũng như nhu cầu của thị trường đối với các kỹ sư Kinh tế Xây dựng là rất cao, xứng đáng là một trong những chuyên ngành hấp dẫn nhất của Khoa KT&QLXD. Để đạt được kết quả như vậy phải kể đến chất lượng giảng dạy rất tốt của đội ngũ giảng viên Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng cùng chương trình đào tạo bài bản, bổ sung kịp thời các kỹ năng bắt kịp yêu cầu đặt ra ngoài thực tế của các nhà tuyển dụng. Lựa chọn đăng ký học tập chuyên ngành Kinh tế Xây dựng tại Khoa Kinh tế & Quản lý Xây dựng là một quyết định đúng đắn trên con đường phát triển nghề nghiệp trong tương lai của bạn!