Cơ hội việc làm chuyên ngành Kinh tế xây dựng

Mục tiêu đào tạo:

Đồng hành cùng quá trình tăng trưởng kinh tế là sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội với hàng loạt các công trình xây dựng ngày càng nhiều về số lượng, rộng lớn về quy mô, đa dạng về loại hình kiến trúc, phức tạp về mặt kỹ thuật và phong phú trong công năng sử dụng. Chính điều này đặt ra yêu cầu khắt khe về khả năng tổ chức, điều hành và phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận, tổ chức tham gia vào quá trình thực hiện công trình xây dựng nhằm đạt được hiệu quả tối đa về chi phí, thời gian và chất lượng của dự án xây dựng.

Trong những năm gần đây, sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đã có những bước chuyển lớn, làm thay đổi bộ mặt của các thành phố lớn trong cả nước, mang đến cho Việt Nam một diện mạo mới, năng động và hiện đại hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu một đội ngũ nhân lực – những nhà quản lý, tính toán chuyên nghiệp trong ngành xây dựng, đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Vì vậy, chuyên ngành Kinh tế xây dựng là sự lựa chọn hàng đầu của những người có khả năng quản lý, điều hành, tính toán và nhạy bén với thị trường. 

Đào tạo Kỹ sư Kinh tế Xây dựng có phẩm chất đạo đức tốt; có kiến thức khoa học vững vàng trong lĩnh vực Kinh tế và Quản lý xây dựng; có kỹ năng chuyên môn, năng lực thực hành chuyên nghiệp và phẩm chất cá nhân cần thiết, đủ khả năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề chuyên môn và nghiên cứu một cách độc lập, sáng tạo; có kỹ năng thu nhận, xử lý và truyền đạt thông tin; có kỹ năng giao tiếp xã hội cần thiết để làm việc hiệu quả trong nhóm ngành, đa ngành và trong môi trường quốc tế; có khả năng ứng dụng tin học và ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn.

Triển vọng nghề nghiệp:

Sinh viên ngành Kinh tế Xây dựng sau khi tốt nghiệp có thể:

  • Làm quản lý xây dựng ở các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng từ cấp trung ương như ở các bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc nhà nước, Ngân hàng phát triển, các cơ quan quản lý đầu tư xây dựng ở các bộ khác đến các cấp địa phương: cấp tỉnh, cấp quận, huyện, như Sở Xây dựng, Sở kiến trúc Quy hoạch, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các phòng quản lý xây dựng và tài chính của các quận, huyện.
  • Làm nghiên cứu ở các viện nghiên cứu về kinh tế và quản lý xây dựng.
  • Làm quản lý doanh nghiệp, đấu thầu và quản lý công trường ở các doanh nghiệp xây dựng, các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản.
  • Làm tư vấn lập và phân tích dự án đầu tư, lập và thẩm tra dự toán, cung cấp dịch vụ tư vấn đấu thầu ở các công ty tư vấn đầu tư xây dựng.
  • Làm thẩm định dự án tại các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm.
  • Làm quản lý dự án tại các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư xây dựng công trình.
  • Làm công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo.

Các công việc phù hợp với sinh viên chuyên ngành Kinh tế xây dựng

Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Viện Khoa học Kinh tế xây dựng – Khoa Kinh tế và

Quản lý xây dựng

Khả năng tích lũy kinh nghiệm, cộng với nền tảng kiến thức có sẵn, các bạn có thể tiến đến những vị trí, cấp bậc cao hơn như Giám đốc dự án hoặc tự mở doanh nghiệp xây dựng riêng với mức thu nhập khiến nhiều người phải mơ ước. Theo kết quả khảo sát, sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế xây dựng hơn 95% sinh viên ra trường có việc làm ngay trong vòng 06 tháng đầu. Đồng thời theo báo lao động, chuyên ngành Kinh tế xây dựng lọt top 10 trong 12 ngành thu hút nhất mọi thời kì với thu nhập bình quân trong vòng 05 năm đầu tiên là 20 triệu/tháng.

Cũng theo kết quả khảo sát của Trường Đại học xây dựng, hơn 74% sinh viên sau khi ra trường làm trong các doanh nghiệp tư nhân; 24% làm việc trong các cơ quan Quản lý nhà nước; 2% làm việc trong các tổ chức liên doanh liên kết nước ngoài hoặc tự lập kinh doanh.

Các công việc chuyên môn đầu ra ngành Kinh tế xây dựng

Sinh viên ngành Kinh tế xây dựng nhận giải Loa Thành