LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

KHOA KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG

FACULTY OF CONSTRUCTION ECONOMICS AND MANAGEMENT

 

A. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN

Năm 1963, chuyên ngành Kinh tế xây dựng đã được hình thành, nằm trong Khoa Kỹ sư Kinh tế của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Năm 1965, Bộ môn Kinh tế và Tổ chức xây dựng được thành lập.

Ngày 08/08/1966, khi Khoa Xây dựng của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được tách ra để thành lập trường Đại học Xây dựng thì Bộ môn Kinh tế và Tổ chức xây dựng cũng được tách khỏi Khoa Kỹ sư Kinh tế Đại học Bách Khoa Hà Nội để trở thành một bộ phận nằm trong Khoa Xây dựng của Trường Đại học Xây dựng.

Tháng 7 năm 1967, Bộ môn Kinh tế và Tổ chức Xây dựng được tách khỏi Khoa Xây dựng và cùng với bộ phận đào tạo tại chức của Trường Địa học Xây dựng lập thành Khoa Kinh tế – Tại chức của trường. Cuối năm 1968, Khoa Kỹ sư Kinh tế Xây dựng được thành lập tại thôn Mao Trung, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh) với cơ cấu gồm 03 bộ môn: Bộ môn Kinh tế xây dựng; Bộ môn Kinh tế nghiệp vụ và Bộ môn Tổ chức – Kế hoạch.

Từ khi thành lập đến nay, Khoa đã trải qua những lần đổi tên để phù hợp với điều kiện cụ thể từng thời kỳ:

– Khoa Kỹ sư Kinh tế xây dựng (1968 – 1986)

– Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh xây dựng (1986 – 1991)

– Khoa Kinh tế xây dựng (1991 – 2008)

– Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng (Tháng 4/2008 đến nay)

B. CƠ CẤU TỔ CHỨC

Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, trường Đại học Xây dựng Hà Nội ngày càng phát triển, hiện có 62 cán bộ và giảng viên, trong đó có 02 Nhà giáo nhân dân, 03 Nhà giáo ưu tú, 03 Giáo sư, 07 Phó giáo sư, 01 Tiến sỹ khoa học, 26 Tiến sỹ, 10 Giảng viên chính và 32 Thạc sỹ. Nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài như Anh, Úc, Pháp, Đức,… có kinh nghiệm giảng dạy, có chuyên môn cao và uy tín trong đầu tư xây dựng.

Trưởng khoa: GVC.TS Nguyễn Liên Hương

Phó trưởng khoa: GVC.TS Nguyễn Quốc Toản GV.TS Nguyễn Tuấn Anh

Các đơn vị trực thuộc:

1. Bộ môn Kinh tế xây dựng

2. Bộ môn Kinh tế nghiệp vụ

3. Bộ môn Kinh tế và quản lý bất động sản

4. Bộ môn Quản lý dự án và pháp luật

5. Bộ môn Tổ chức kế hoạch

6. Viện Quản lý đầu tư xây dựng

B. ĐÀO TẠO

Các kỹ sư do Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng đào tạo có kiến thức chuyên sâu có thể đảm nhận công việc liên quan đến xây dựng, kinh tế xây dựng và quản lý xây dựng (quản lý và phát triển đô thị, quản lý và kinh doanh bất động sản; quản lý đầu tư) tại các tổ chức trong và ngoài nước như các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức nghiên cứu khoa học và đào tạo, các tổ chức tài chính tín dụng, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Mục tiêu đào tạo

Đào tạo các kỹ sư kinh tế xây dựng và quản lý xây dựng có  phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, khả năng làm việc tập thể và năng lực chuyên môn để hoàn thành tốt những công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động quản lý và phát triển đô thị, hoạt động đầu tư và kinh doanh bất động sản.

Các kỹ sư được trang bị chuyên sâu ba (03) mảng kiến thức:

+ Kiến thức về Kỹ thuật – Công nghệ xây dựng;

+ Kiến thức về Kinh tế - Đầu tư trong xây dựng và trong đầu tư kinh doanh bất động sản

+ Kiến thức quản lý xây dựng, quản lý bất động sản.

Với 03 khối kiến thức này, đảm bảo các kỹ sư sau khi tốt nghiệp có thể thực hiện  tốt các công việc chuyên môn, được các đơn vị sử dụng lao động chấp nhận. Trong trường hợp chuyển lĩnh vực làm việc, các kỹ sư tốt nghiệp vẫn đảm bảo đủ kiến thức để khởi sự kinh doanh.

Các ngành đào tạo

Khoa đào tạo 2 ngành trình độ đại học là:

1. Ngành Kinh tế xây dựng:

+ Kinh tế xây dựng (KT)

+ Kinh tế xây dựng Anh ngữ (KTE)

2. Ngành Quản lý xây dựng, gồm 02 chuyên ngành:

+ Kinh tế và Quản lý đô thị (QD)

+ Kinh tế và Quản lý bất động sản (BDS).

Tổng số sinh viên đào tạo khoảng 3.500 sinh viên (khoảng 700 sinh viên/khóa), là một trong những khoa có đông sinh viên theo học nhất. Đặc biệt có chương trình đào tạo Kinh tế xây dựng Anh ngữ (KTE), sinh viên được học tập bằng tiếng Anh, hướng tới đào tạo chất lượng cao. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay, qua khảo sát hàng năm đều trên 94%.

Bên cạnh đó, Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng còn là đơn vị chủ trì đào tạo bậc sau thạc sỹ ngành Quản lý xây dựng (gồm 3 chuyên ngành Kinh tế xây dựng, Quản lý đô thị và Quản lý dự án), đây là ngành đào tạo sau đại học đông nhất trường.

C. HOẠT ĐỘNG

Đào tạo 2 ngành trình độ đại học, bao gồm cả chương trình Kinh tế xây dựng Anh ngữ (KTE);

Đào tạo trình độ thạc sỹ ngành Quản lý xây dựng (gồm 3 chuyên ngành Kinh tế xây dựng, Quản lý đô thị và Quản lý dự án);

Đào tạo tiến sỹ: Có khoảng gần 30 nghiên cứu sinh đang thực hiện nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các giảng viên của Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng;

Nghiên cứu khoa học thực hiện các đề tài cấp trường, cấp Bộ và cấp Nhà nước, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và thi sinh viên giởi và thi Olympic toàn quốc;

Biên soạn sách, giáo trình, tài liệu tham khảo và tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành;

Tham gia tư vấn, thực hiện các dự án xây dựng và hợp tác cùng nghiên cứu, ứng dụng với các tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế;

Hợp tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực với các Bộ ngành, Viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trong và ngoài nước;