Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của Chủ đầu tư (bên mời thầu) để thực hiện gói thầu trên cơ sở bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Hiện nay tại Việt Nam, hoạt động đấu thầu được diễn ra rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề của nền kinh tế, đặc biệt là Đấu thầu trong xây dựng.
Có thể thấy rằng, trong những năm gần đây, ngành xây dựng đang phát triển rất mạng mẽ. Các dự án xây dựng xuất hiện ở khắp nơi với mật độ dày đặc. Do đó, việc lựa chọn được nhà thầu thi công công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ với chi phí thấp rất quan trọng.
Đấu thầu xây dựng là hoạt động đặc thù, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân khi tham gia công tác lựa chọn nhà thầu phải có năng lực nhất định. Cá nhân khi tham gia hoạt động đấu thầu xây dựng đỏi hỏi phải có kiến thức tổng hợp về kỹ thuật xây dựng công trình và pháp luật về xây dựng, đấu thầu… Và Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, trường Đại học xây dựng chính là nơi cung cấp các kỹ năng chuyên môn, năng lực thực hành giúp cho sinh viên có khả năng thực hiện các công việc trong hoạt động đấu thầu xây dựng với các ngành đào tạo như: Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng.
Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng thuộc khối ngành xây dựng có sự kết hợp hài hòa giữa lĩnh vực kinh tế, quản lý và kỹ thuật xây dựng. Trong đó, khối kiến thức về kinh tế, quản lý đang là thế mạnh của Khoa Kinh tế & QLXD, trang bị cho sinh viên các kỹ năng chuyên môn, thực hành như lập và thẩm định dự án đầu tư xây dựng; lập, thẩm tra và thẩm định dự toán xây dựng; thanh quyết toán xây dựng công trình; định giá và quản lý chi phí; tổ chức đấu thầu và dự thầu; Kiểm toán vốn đầu tư xây dựng; quản lý hợp đồng; quản lý dự án; kế toán trong doanh nghiệp xây dựng…
Khối kiến thức về kỹ thuật xây dựng theo chương trình đào tạo mới đã được giảm bớt so với trước đây, tuy nhiên vẫn đảm bảo cho sinh viên được cung cấp đầy về các kiến thức quan trọng về xây dựng.
Hiện nay, ngành Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng, trường Đại học Xây dựng là một trong những ngành có uy tín, chất lượng đào tạo tốt nhất của cả nước. Sinh viên mới tốt nghiệp luôn được ưu tiên tuyển dụng tại các Cơ quan nhà nước, Ban quản lý dự án, các Doanh nghiệp đầu tư, xây dựng…
Theo thống kê chuyên ngành, hơn 95% sinh viên ra trường có việc làm ngay trong 06 tháng đầu và với thu nhập bình quân sau khi ra trường trong vòng 05 năm là 25 triệu đồng/tháng.
Sinh viên mới tốt nghiệp sẽ có cơ hội việc làm rộng mở và nhiều lựa chọn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Trong đó, phải kể đến cơ hội việc làm trong hoạt động đấu thầu xây dựng. Cụ thể:
1/ Thực hiện công tác quản lý nhà nước về đấu thầu
Để đảm bảo hoạt động đấu thầu được diễn ra công bằng, minh bạch, hiệu quả và không có tiêu cực, đỏi hỏi phải có sự giám sát, kiểm tra của các cấp có thẩm quyền. Do đó, sinh viên ra trường có thể công tác tại các cơ quan từ cấp Trung ương như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra chính phủ… ở cấp tỉnh, thành phố như: Sở Kế hoạch và Đầu tư; thanh tra nhà nước cấp tỉnh… hoặc ở cấp quận, huyện như: Phòng Tài chính kế hoạch… với công việc là giám sát, kiểm tra công tác đấu thầu nhà thầu tại các đơn vị có sử dụng vốn nhà nước theo phạm vi phân cấp.
2/ Thực hiện các công việc của Chủ đầu tư, Bên mời thầu
Chủ đầu tư, Bên mời thầu là đơn vị sẽ đưa ra yêu cầu đối với các nhà thầu tham gia. Do đó, sinh viên ra trường có thể:
+ Công tác tại các cơ quan nhà nước từ cấp trung ương đến địa phương (các cơ quan có dự án đầu tư xây dựng công trình); công tác tại các Ban quản lý dự án khu vực hoặc chuyên ngành với nhiệm vụ là lập Hồ sơ mời thầu và đánh giá Hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham gia.
+ Công tác tại các tập đoàn lớn có vốn tư nhân trong công tác đấu thầu.
3/ Thực hiện các công việc của Nhà thầu xây lắp
Với vai trò là Nhà thầu tham gia đấu thầu cần phải nắm được hồ sơ, quy trình, thủ tục đấu thầu. Do đó, sinh viên ra trường có thể làm việc cho các Doanh nghiệp xây dựng (nhà thầu) với công việc lập Hồ sơ dự thầu đúng quy định, đáp ứng yêu cầu của Hồ sơ mời thầu.
4/ Thực hiện các công việc của Tư vấn đấu thầu
Trong trường hợp Chủ đầu tư, Bên mời thầu không có chuyên môn, năng lực trong lĩnh vực lựa chọn nhà thầu, đòi hỏi phải có đơn vị tư vấn thực hiện các công việc lập Hồ sơ mời thầu, đánh giá Hồ sơ dự thầu… Do đó, sinh viên khi ra trường có thể làm việc cho các công ty tư vấn về đấu thầu với vai trò tư vấn cho Chủ đầu tư, Bên mời thầu lựa chọn được nhà thầu xây lắp đáp ứng tất cả yêu cầu và có giá thấp nhất.
GV.ThS Bùi Quang Linh
Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Trường Đại học Xây dựng