1/ Giới thiệu lĩnh vực phân tích, đánh giá dự án đầu tư xây dựng
Đồng hành cùng quá trình tăng trưởng kinh tế là sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội với hàng loạt các công trình xây dựng ngày càng nhiều về số lượng, rộng lớn về quy mô, đa dạng về loại hình kiến trúc, phức tạp về mặt kỹ thuật và phong phú trong công năng sử dụng.
Chính điều này đặt ra yêu cầu khắt khe về khả năng tổ chức, điều hành và phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận, tổ chức tham gia vào quá trình thực hiện công trình xây dựng nhằm đạt được hiệu quả tối đa về chi phí, thời gian và chất lượng của dự án xây dựng.
Trong những năm gần đây, sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đã có những bước chuyển lớn, làm thay đổi bộ mặt của các thành phố lớn trong cả nước, mang đến cho Việt Nam một diện mạo mới, năng động và hiện đại hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thiếu một đội ngũ nhân lực – những nhà quản lý, tính toán chuyên nghiệp trong ngành xây dựng, đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước đặc biệt là trong lĩnh vực phân tích, đánh giá dự án đầu tư xây dựng.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng đòi hỏi phải tăng cường công tác phân tích đánh giá dự án đầu tư xây dựng công trình và sử dụng hợp lý các phương pháp đánh giá, so sánh lựa chọn các phương án kỹ thuật trong xây dựng giữ vai trò hết sức quan trọng trong quá trình ra quyết định khi lựa chọn phương án đầu tư tốt nhất.
Lĩnh vưc phân tích, đánh giá dự án ĐTXD giúp sinh viên phát triển đủ các kỹ năng cần thiết trong các hoạt động đầu tư của dự án xây dựng, quản lý dự án, lãnh đạo, tổ chức, quản lý các công việc liên quan. Ngoài ra sinh viên còn được xây dựng nền tảng về kinh tế, chú trọng hơn trong việc phát triển năng lực để tham gia giải quyết các vấn đề thực tế trong đầu tư xây dựng, mang lại hiệu quả tốt nhất từ các dự án xây dựng.
2/ Các hoạt động phân tích tài chính dự án đầu tư xây dựng và đánh giá hiệu quả tài chính dự án đầu tư xây dựng
2.1/ Các hoạt động phân tích dự án đầu tư xây dựng
Nghiên cứu nhu cầu và đảm bảo về nguồn lực tài chính phục vụ cho hoạt động thực hiện các dự án ĐTXD có hiệu quả. Thông qua các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn chủ doanh nghiệp có thể xác định quy mô đầu tư dự án ĐTXD, cơ cấu vốn và xác định nguồn tài trợ phù hợp cho dự án ĐTXD.
Từ góc độ hạch toán kinh tế của chủ đầu tư, khi phân tích tài chính, phải đánh giá được tình hình, kết quả và hiệu quả của hoạt động trong dự án ĐTXD. Tính toán các chi phí để đánh giá về lợi ích thu được từ đơn vị thực hiện dự án ĐTXD.
Dựa vào những kết quả đã được nghiên cứu và tính toán cụ thể và đưa ra quyết định có lựa chọn dự án này hay không.
Như vậy từ các hoạt động này, chúng ta phải làm như thế nào để đánh giá hiệu quả tài chính cho dự án ĐTXD và mang về lợi nhuận cho nhà đầu tư.
2.2/ Đánh giá hiệu quả tài chính dự án đầu tư xây dựng
Câu hỏi đặt ra là dự án ĐTXD này có khả thi hay không? Thì trước tiên doanh nghiệp phải xem xét các mục tiêu đã xác định của dự án: Khả năng tài chính, mức lợi nhuận tối đa mà nhà đầu tư có thể nhận được từ dự án ĐTXD.
Kế tiếp là thực hiện quy trình của dự án bao gồm các mục tiêu của nghiên cứu tài chính để giải quyết các vấn đề:
Xác định chi phí đầu tư, cơ cấu phân bổ của nguồn vốn và cơ cấu vốn tài trợ.
Tính toán chặt chẽ các khoản thu – chi – lợi nhuận thực tế.
a/ Tính toán tổng mức đầu tư của dự án
Toàn bộ chi phí sử dụng cho một dự án bao gồm các chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn, chi phí khác và chi phí dự phòng để tạo ra các điều kiện cần thiết giúp dự án hoạt động bình thường theo đúng mục tiêu đã được đề ra với chủ dự án.
b/ Các khoản chi tiêu sử dụng trước đầu tư
Các khoản chi phí phát sinh trước khi dự án được triển khai, chuyên được sử dụng vào các khoản chi tiêu cần thiết để đảm bảo các hoạt động của dự án được triển khai theo đúng lộ trình cụ thể.
c/ Vốn đầu tư vào tài sản cố định
Các khoản đầu tư được sử dụng cho tài sản cố định hữu hình và vô hình.
+ Tài sản hữu hình: Chi phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ cho quá trình sản xuất và đầu tư xây dựng cơ bản và tài sản cố định được cấp hoặc chuyển đến.
+ Tài sản vô hình: Loại tài sản không trong trạng thái vật chất, được định lượng giá trị liên quan đến chu kỳ kinh doanh
Bao gồm các khoản chi phí sử dụng cho các phương tiện tài chính bao gồm: Vốn lưu động đầu tư vào tài sản dự trữ, dự trữ tiền mặt, các khoản phải thu và vốn lưu động được tài trợ vào khoản phải trả.
2.3/ Xác định lợi ích và chi phí dùng trong dự án đầu tư xây dựng
Dựa vào việc xác định chi phí và lợi ích trong dự án ĐTXD, dễ dàng tính toán được lợi nhuận của mỗi dự án. Đây cũng chính là một trong những công việc của phân tích tài chính dự án đầu tư.
(i) Chỉ tiêu để đánh giá lợi ích và chi phí chính là: Giá trị của tiền theo thời gian
(ii) Các khoản chi phí đầu tư và lợi ích thu về đều được phản ánh qua giá trị của tiền. Giá trị tiền theo thời gian có thể được tính theo nhiều phương diện như:
+ Cùng một số tiền nhưng số lượng tài sản mua được ở các thời điểm lại khác nhau.
+ Cùng một số tiền nhưng sử dụng vào hoạt động này lại tốt hơn hoạt động khác do chi phí cơ hội.
Trong mỗi dự án đều sẽ tồn tại những rủi ro không mong muốn có thể xảy ra. Nhưng thông qua các số liệu phân tích tài chính dự án đầu tư của doanh nghiệp, chúng ta có thể căn cứ vào đó để đánh giá tính hiệu quả tài chính dự án, nhà đầu tư có thể thấy được tính khả thi trong tương lai của hạng mục này, nguồn tài liệu quan trọng để thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp.
3/ Cơ hội việc làm trong lĩnh vực phân tích, đánh giá hiệu quả dự án đầu tư xây dựng
+ Làm quản lý xây dựng ở các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng từ cấp trung ương như ở các bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc nhà nước, Ngân hàng phát triển, các cơ quan quản lý đầu tư xây dựng ở các bộ khác đến các cấp địa phương: cấp tỉnh, cấp quận, huyện, như Sở Xây dựng, Sở kiến trúc Quy hoạch, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các phòng quản lý xây dựng và tài chính của các quận, huyện.
+ Làm nghiên cứu ở các viện nghiên cứu về kinh tế và quản lý xây dựng.
+ Làm tư vấn lập và phân tích hiệu quả dự án đầu tư ở các các doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng Công ty về lĩnh vực đầu tư nói chung và đầu tư xây dựng nói riêng.
+ Làm thẩm định dự án tại các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, các định chế tài chính.
+ Làm quản lý dự án tại các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư xây dựng công trình.
+ Làm công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu.
+ Các dự án khởi nghiệp.