Lời đầu tiên, xin được gửi lời cảm ơn tới các bạn sinh viên vì đã tin tưởng và lựa chọn theo học tại Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng, trường Đại học Xây dựng!
Là một tân sinh viên, hẳn bạn đang có rất nhiều băn khoăn về ngành nghề mà mình đã lựa chọn. Trong số rất nhiều lĩnh vực hiện đang đào tạo cho sinh viên tại Khoa, trong bài viết này, Khoa KT&QLXD xin được chia sẻ với các bạn sâu hơn về lĩnh vưc Quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng.
Khi nghe về lĩnh vực này, nhiều bạn sinh viên chắc sẽ có những thắc mắc như: Học về “Quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng” thì sau này chỉ có thể vào làm ở các cơ quan QLNN về xây dựng?; Học “Quản lý Nhà nước về xây dựng” thì sẽ toàn học về các chủ trương, cơ chế, chính sách của Nhà nước?; Liệu cơ hội xin việc và thành công về lĩnh vực này có cao không?
Hy vọng những chia sẻ dưới đây sẽ giúp các bạn giải đáp được những thắc mắc của bản thân và có cái nhìn toàn diện và chuẩn xác hơn về lĩnh vực này nhé!
1/ Quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng là gì và chúng có vai trò như thế nào trong xã hội?
Quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng là việc thực thi những quyền lực của Nhà nước dựa trên pháp luật và quy định của Nhà nước đã ban hành để đảm bảo hoạt động đầu tư xây dựng một cách hiệu quả nhất.
Quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng có vai trò như thế nào đối với xã hội ?
2/ Cơ sở đào tạo nào có giảng dạy về lĩnh vực này?
Ngành Quản lý xây dựng nói chung và lĩnh vực Quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng nói riêng đang được giảng dạy tại nhiều trường Đại học trên cả nước. Do đây là ngành học đòi hỏi sự kết hợp giữa 3 khối kiến thức kỹ thuật, kinh tế và quản lý nên thường chỉ có những trường đại học có nền tảng kiến thức lâu đời mới có thể đảm nhiệm công tác giảng dạy đối với lĩnh vực này.
Bên cạnh những kiến thức về kỹ thuật xây dựng, người học còn được trang bị những kiến thức về kinh tế và quản lý để trở thành những người kỹ sư có tầm nhìn có khả năng kiểm soát mọi vấn đề trong quá trình hình thành công trình xây dựng.
Trong số những cơ sở đào tạo về lĩnh vực quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng trên cả nước, Khoa Kinh tế & Quản lý Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng (NUCE) tự hào là đơn vị đứng đầu về kinh nghiệm đào tạo, điểm chuẩn đầu vào của sinh viên, quy mô đào tạo và chất lượng sinh viên đầu ra. Điều này được chứng minh bằng sự thành công của các lứa sinh viên, học viên tốt nghiệp từ Khoa Kinh tế và quản lý xây dựng, ĐHXD.
3/ Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng đang đào tạo về lĩnh vực này như thế nào?
Với bề dày truyền thống hơn 60 năm đào tạo, Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng là một trong những cái nôi về đào tạo kỹ sư trong lĩnh vực Quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng. Qua từng thời kỳ phát triển của đất nước, Khoa Kinh tế & QLXD không ngừng cải tiến chương trình và phương thức đào tạo để thích ứng với những yêu cầu mới của xã hội và sự hội nhập quốc tế.
Dưới đây là một số nét đặc trưng về đào tạo lĩnh vực quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng:
3.1/ Chương trình đào tạo được thiết kế một cách khoa học
Những kiến thức của lĩnh vực quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng được truyền đạt đến sinh viên theo một trình tự logic đi từ tổng quát tới chi tiết.
Ví dụ: Trước khi học về Pháp luật xây dựng, sinh viên sẽ được tìm hiểu về pháp luật đại cương; trước khi tìm hiểu về các vấn đề về quản lý, kinh tế trong xây dựng sinh viên được cung cấp kiến thức về khoa học quản lý nói chung.
Việc thiết kế chương trình học này vừa giúp sinh viên nắm kiến thức một cách có thể thống vừa tạo môi trường cho sinh viên có quyền lựa chọn những vấn đề mình muốn tìm hiểu chuyên sâu.
Bên cạnh đó sinh viên còn được thực hành những kiến thức đã học về quản lý Nhà nước đối với đầu tư xây dựng qua việc làm các đồ án môn học như: Đồ án Kinh tế đầu tư, Đồ án Kinh tế xây dựng. Những đồ án này đòi hỏi sinh viên phải biết vận dụng các văn bản pháp luật để xác định và quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng công trình.
3.2/ Những môn học được thiết kế một cách sinh động và trực quan
Các giảng viên có kinh nghiệm lâu năm và được đào tạo từ các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước giảng dạy.
|
Những tiết học được thiết kế sinh động với rất nhiều các bài tập tình huống | Cơ hội thực hành những kỹ năng mềm rất cần thiết cho môi trường công việc sau này như làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tin học văn phòng, ngoại ngữ và kỹ năng tự nghiên cứu |
Những điều này đã làm các bạn thay đổi suy nghĩ rằng học và làm việc trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng là chỉ học về những cơ chế, chính sách văn bản Nhà nước khô khan, nhàm chán hay chưa?
3.3/ Chương trình đào tạo được thiết kế mới đem đến sự linh hoạt và cực kỳ vừa sức với mọi đối tượng sinh viên
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của các bạn sinh viên khi bắt đầu một ngành học đó là những môn học của chuyên ngành này có khó không? Điểm có cao không? Tỷ lệ trượt môn học như thế nào?
Không có một ngành học hay lĩnh vực nào có thể khẳng định là dễ hay khó để học cả, quan trọng là chương trình học đó có được thiết kế phù hợp với bạn hay không?
Tin vui cho các bạn là với chương trình đào tạo được thiết kế mới với 02 hệ đào tạo là Cử nhân và Kỹ sư sẽ đem đến cho bạn sự linh hoạt và cực kỳ vừa sức với mọi đối tượng sinh viên. Nếu bạn muốn rút ngắn thời gian học bạn có thể chọn hệ cử nhân; còn nếu bạn đam mê và muốn khám phá sâu hơn về ngành học của mình và đảm nhiệm những vị trí cao hơn trong công việc, bạn có thể chọn chương trình kỹ sư. Bên cạnh đó khối lượng kiến thức kỹ thuật khó giờ đã được giảm nhẹ hoặc chuyển sang hình thức tự chọn. Học Xây dựng không còn khó đúng không nào!!!
4/ Những cơ hội việc làm cho sinh viên khi ra trường đối với lĩnh vực này?
Như đã chia sẻ trước đó cơ hội việc làm của các bạn khi theo học lĩnh vực quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng là rất rộng mở. Bạn có thể thử sức ở các công việc khác nhau như:
Cán bộ ở các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng như: Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các cơ quan quản lý đầu tư xây dựng ở các bộ khác đến các cấp địa phương: cấp tỉnh, cấp quận, huyện, như Sở Xây dựng, Sở kiến trúc Quy hoạch, Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các phòng quản lý xây dựng và tài chính của các quận, huyện.
Ngoài ra, những kiến thức mà lĩnh vực quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cũng giúp ích cho các bạn rất nhiều cho dù các bạn không làm việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước. Bạn hoàn toàn có thể ứng tuyển vào những vị trí ở các tổ chức và doanh nghiệp khác như:
+ Quản lý doanh nghiệp, đấu thầu ở các doanh nghiệp xây dựng, các công ty đầu tư kinh doanh bất động sản.
+ Tư vấn lập và phân tích dự án đầu tư, lập và thẩm tra dự toán, cung cấp dịch vụ tư vấn đấu thầu ở các công ty tư vấn đầu tư xây dựng.
+ Thẩm định dự án tại các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm
+ Quản lý dự án tại các ban quản lý dự án và các chủ đầu tư xây dựng công trình
+ Giảng dạy tại các cơ sở đào tạo.
5) Cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng
Là một sinh viên trong thời buổi kinh tế thị trường, chúng tôi biết mối quan tâm hàng đầu của các bạn sau khi ra trường chính là thu nhập và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Những thống kê dưới đây sẽ cho các bạn câu trả lời sát đáng nhất cho vấn đề này!
Sự thành công của các cựu sinh viên của khoa Kinh tế và quản lý xây dựng chính là câu trả lời thuyết phục nhất cho chất lượng đào tạo của khoa chúng tôi.
Khoa chúng tôi luôn tự hào vì cung cấp cho đất nước những thế hệ kỹ sư tài năng, trong đó có rất nhiều người đã và đang nắm giữ những trọng trách cao trong bộ máy quản lý Nhà nước từ Trung Ương tới địa phương.
Các bạn có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều những tấm gương cựu sinh viên thành công trong chính website này đó !
Lời cuối cùng, nếu hoài bão của bạn là kiến tạo nên những công trình xây dựng phục vụ cho lợi ích cộng đồng, góp phần thay đổi diện mạo của đất nước, hãy để chúng tôi đồng hành cùng các bạn trong những bước đi đầu tiên để chạm đến ước mơ này nhé!
ThS. Hoàng Vân Giang
Khoa Kinh tế & Quản lý Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng