Tài sản (bao gồm tài sản hữu hình như nhà cửa, xe cộ… và tài sản vô hình như các phần mềm, công nghệ sản xuất, thương hiệu…) là xương sống của tất cả các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân hay nhà nước.
Việc sử dụng tài sản một cách hiệu quả, hợp lý sẽ mang lại lợi nhuận tối đa cho tổ chức và doanh nghiệp. Trong đó, tài sản xây dựng (các công trình xây dựng đã bàn giao và đi vào vận hành như nhà chung cư, bệnh viện, trường học, văn phòng công sở, nhà máy, đường bộ, cầu, hệ thống thủy lợi, hệ thống công trình ngầm trong đô thị ….) là những tài sản có giá trị lớn, gồm nhiều bộ phận hợp thành (lớp vỏ kiến trúc, kết cấu, điện, nước… nằm trong và ngoài lớp vỏ kiến trúc này); thời gian sử dụng tài sản dài và yêu cầu hoạt động bảo trì, sửa chữa định kỳ trong quá trình sử dụng.
Tài sản xây dựng là cơ sở hạ tầng cho tất cả các hoạt động kinh tế, giáo dục, chính trị, thương mại, giao thông của con người. Do đó, việc giữ cho các tài sản này luôn ở trạng thái tốt nhất, mang lại hiệu quả cao nhất là mục tiêu hành đầu của tất cả các nhà quản lý.
Tuy nhiên, quản lý tài sản xây dựng có nhiều đặc thù khác biệt so với việc quản lý tài sản thông thường. Nguyên nhân là do tài sản xây dựng có những đặc điểm như đã nêu trên, từ đó, yêu cầu người quản lý phải có những kiến thức không chỉ về kỹ thuật (cấu tạo của tài sản xây dựng và các bộ phận hợp thành, yêu cầu bảo trì, sửa chữa hay nâng cấp) mà còn cần những kiến thức và tư duy kinh tế để có thể nghiên cứu tính toán được hiệu quả sử dụng tài sản xây dựng, khấu hao cũng như hiệu quả kinh tế của các phương án sửa chữa, thay thế, nâng cấp nếu có.
Chương trình đào tạo Kỹ sư/Cử nhân Ngành Quản lý xây dựng
Với chương trình đào tạo được thiết kế hài hoà, với khoảng 43% kiến thức cơ sở ngành và liên ngành với những kiến thức khó đã được giảm tải nhằm cung cấp, trang bị cho sinh viên lượng kiến thức vừa đủ về kỹ thuật xây dựng như: Kiến trúc dân dụng và công nghiệp, Nền và móng, Kết cấu bê tông cốt thép, Kết cấu thép, Kỹ thuật thi công, An toàn lao động, v.v.
Lượng kiến thức này đảm bảo trang bị cho kỹ sư, cử nhân Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng nền tảng về kỹ thuật đủ để tính toán, phân tích các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình quản lý tài sản xây dựng.
Bên cạnh đó, kỹ sư/ cử nhân Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng trước khi tốt nghiệp sẽ được trang bị khoảng 40% kiến thức chuyên ngành chuyên sâu về Kinh tế xây dựng và Quản lý xây dựng thông qua các môn học chuyên ngành, đồ án môn học và đồ án tốt nghiệ. Lượng kiến thức này là lợi thế để kỹ sư/ cử nhân Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng có thể nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp quản lý tài sản xây dựng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường tốt nhất cho người sử dụng cũng như nhà quản lý.
Lượng kiến thức được trang bị cho người học sẽ giúp sinh viên hiểu bản chất của tài sản cũng như công tác quản lý và xử lý tình huống thực tế các vấn đề nảy sinh về định mức, đơn giá, hợp đồng trong quản lý tài sản xây dựng, cũng như các quy định pháp luật có liên quan khi công tác tại vị trí nghề nghiệp này.
Ngoài ra, trong chương trình đào tạo, sinh viên còn được tham quan, thực tập thực tế tại các đơn vị đã và đang quản lý tài sản xây dựng để cọ sát với thực tế, bổ sung thêm các kĩ năng mềm để đảm bảo có đủ kiến thức, kỹ năng thực hiện tốt vị trí nghề nghiệp này.
Do đó, kỹ sư/ cử nhân Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng được đào tạo từ khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, trường Đại học Xây dựng có thể đảm nhận tất cả các công việc có liên quan đến quá trình quản lý tài sản xây dựng tại các doanh nghiệp quản lý vận hành nhà, quản lý tài sản, ngân hàng, quản lý tài sản nhà nước v.v.
Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực quản lý tài sản
Hiện nay, lĩnh vực quản lý tài sản nói chung và quản lý tài sản xây dựng còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, khảo sát nhanh tại các kênh tuyển dụng việc làm như website: Topcv; 123Job; 365timviec… cũng như qua thông tin đăng tuyển của các công ty gửi về kênh truyển thông của Khoa KT&QLXD và các hội nhóm nghề nghiệp, thấy rằng có rất nhiều các tin tuyển dụng vị trí việc làm quản lý tài sản nói chung và quản lý tài sản xây dựng nói riêng tại các ngân hàng hay công ty quản lý nhà chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, các vị trí việc làm này chỉ là nhân viên với kinh nghiệm yêu cầu không nhiều, chỉ 2 – 3 năm nhưng mức thu nhập khoảng 15-25 triệu/tháng (Thống kê qua https://careerbuilder.vn/). Đây là mức lương khá tốt so với mặt bằng chung cho sinh viên mới tốt nghiệp Đại học hiện nay tại Việt Nam.
Thêm vào đó, vị trí công việc này có điều kiện làm việc rất thuận lợi, phần lớn là tại trụ sở văn phòng của các đơn vị giúp các kỹ sư/cử nhân công tác tại vị trí công việc này sớm có được sự ổn định về công việc và cuộc sống hơn so với các vị trí công việc khác.
Sinh viên tốt nghiệp từ Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng trường Đại học Xây dựng, với Bằng Cử nhân từ 3,5 – 4 năm hoặc Bằng Kỹ sư (tương đương trình độ thạc sĩ) từ 5 ÷ 5,5 năm, hoàn toàn có đủ kiến thức, kỹ năng để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài sản.
Với nguồn việc làm tại vị trí này dồi dào, điều kiện làm việc ổn định, thoải mái tại các văn phòng và khả năng thăng tiến tốt, tương lai của các cử nhân/kỹ sư Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng sẽ ngày càng rộng mở và đầy hứa hẹn.
GV. TS Tô Thị Hương Quỳnh
Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng