Thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng (ĐTXD) được quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09 tháng 02 năm 2021 về quản lý chi phí ĐTXD.
Theo đó, tất cả các dự án ĐTXD sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công và dự án PPP đều phải thực hiện thanh toán, quyết toán vốn ĐTXD. Hiện nay, các dự án ĐTXD tại Việt Nam từ quy mô nhỏ, vừa đến rất lớn, hầu hết vẫn là các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
Thanh toán, quyết toán vốn ĐTXD khác với thanh toán, quyết toán Hợp đồng xây dựng?
Về cơ bản, có sự giống nhau về nghiệp vụ chuyên môn, nhưng điểm khác biệt lớn nhất là ở chủ thể thực hiện:
+ Thanh toán, quyết toán vốn ĐTXD là giữa Chủ đầu tư/ đại diện hợp pháp của Chủ đầu tư với Cơ quan thanh toán vốn đầu tư (các cơ quan quản lý nhà nước);
+ Thanh toán, quyết toán Hợp đồng xây dựng là giữa Bên giao thầu (Chủ đầu tư/ đại diện hợp pháp của Chủ đầu tư/ Thầu chính/ Tổng thầu, …) với Bên nhận thầu (nhà thầu các loại).
Hiểu một cách đơn giản, thanh toán là việc các bên liên quan xác định giá trị đã thực hiện theo các kỳ, các đợt thanh toán trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.
Quyết toán là việc xác định tổng giá trị cuối cùng của hợp đồng/dự án. Các giá trị này phải đảm bảo hợp lý, hợp pháp phù hợp với loại hợp đồng, hình thức giá hợp đồng, các quy định trong hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, tất cả các dự án, không chỉ các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công mà cả các dự án sử dụng vốn khác chủ yếu là vốn tư nhân, nghiệp vụ thanh toán và quyết toán nói chung đều bắt buộc phải được thực hiện. Điều này làm cho nhu cầu kỹ sư/ cử nhân Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng tại vị trí công việc này vô cùng lớn.
Thanh toán, quyết toán không chỉ đơn thuần là “tính tiền” mà để làm tốt công việc này đòi hỏi thông tường rất nhiều mảng kiến thức, chuyên môn, đặc biệt là khối kiến thức nền tảng về kỹ thuật xây dựng và khối kiến thức chuyên sâu về kinh tế và quản lý xây dựng và cả các quy định pháp luật để đảm bảo tính đúng, tính đủ giá trị.
Với chương trình đào tạo được thiết kế hài hoà, với khoảng 43% là kiến thức cơ sở ngành và liên ngành nhằm cung cấp, trang bị cho sinh viên lượng kiến thúc vừa đủ về kỹ thuật xây dựng như: Kiến trúc dân dụng và công nghiệp, Nền và móng, Kết cấu bê tông cốt thép, Kết cấu thép, Kỹ thuật thi công, An toàn lao động, v.v.
Lượng kiến thức này đảm bảo trang bị cho kỹ sư, cử nhân Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng nền tảng về kỹ thuật đủ để tính toán, tổng hợp được khối lượng xây dựng phù hợp với công nghệ xây dựng hiện đại từ bản vẽ và các hồ sơ liên quan.
Bên cạnh đó, kỹ sư/ cử nhân Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng trước khi tốt nghiệp sẽ được trang bị khoảng 40% kiến thức chuyên sâu về Kinh tế xây dựng và Quản lý xây dựng thông qua các môn học chuyên ngành, đồ án môn học và đồ án tốt nghiệp.
Lượng kiến thức này trang bị cho người học bản chất sâu xa và xử lý tình huống thực tế các vấn đề nảy sinh về định mức, đơn giá xây dựng, hợp đồng trong xây dựng, các quy định pháp luật phức tạp khi công tác tại vị trí nghề nghiệp này.
Ngoài ra, trong chương trình đào tạo, sinh viên còn được tham quan, thực tập thực tế tại các công trường, các doanh nghiệp trong xây dựng để cọ sát với thực tế, trang bị thêm các kĩ năng mềm để đảm bảo có đủ kiến thức, kỹ năng thực hiện tốt vị trí nghề nghiệp này.
Do đó, Kỹ sư/ cử nhân Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng có thể đảm nhận tất cả các công việc có liên quan đến quá trình thanh toán, quyết toán cả hợp đồng xây dựng và vốn đầu tư xây dựng tại các nhà thầu, chủ đầu tư, đại diện hợp pháp của chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, các cơ quan nhà nước quản lý vốn, v.v.
Khảo sát nhanh tại các kênh tuyển dụng việc làm ngành xây dựng như các website: Topcv; 123Job; 365timviec… cũng như qua thông tin đăng tuyển của các công ty gửi về kênh truyển thông của Khoa KT&QLXD và các hội nhóm nghề nghiệp, thấy rằng có rất nhiều các tin tuyển dụng vị trí việc làm thanh toán, quyết toán hoặc có yêu cầu thành thạo nghiệp vụ này, nhưng dành sự ưu tiên cho sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế xây dựng và Quản lý xây dựng tại Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, trường Đại học Xây dựng.
Bên cạnh đó, các vị trí việc làm này đa phần không yêu cầu kinh nghiệm với mức thu nhập trung bình khoảng 8 – 15 triệu/tháng (Thống kê qua group facebook.com/tuyendungkysu). Đây là mức lương khá tốt so với mặt bằng chung cho sinh viên mới tốt nghiệp Đại học hiện nay tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, vị trí công việc này có điều kiện làm việc rất thuận lợi, phần lớn là tại trụ sở văn phòng của các đơn vị, chỉ một số ít làm việc tại văn phòng của ban chỉ huy công trường tại hiện trường, giúp các kỹ sư/cử nhân công tác tại vị trí công việc này sớm có được sự ổn định về công việc và cuộc sống hơn so với các vị trí công việc như giám sát, quản lý thi công, …
Với tấm bằng tốt nghiệp từ Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng trường Đại học Xây dựng – Bằng Cử nhân từ 3,5 – 4 năm hoặc Bằng Kỹ sư (tương đương trình độ thạc sĩ) từ 5 ÷ 5,5 năm, các cử nhân/kỹ sư hoàn toàn có đủ kiến thức, kỹ năng để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xay dựng.
Với nguồn việc làm tại vị trí này dồi dào, điều kiện làm việc ổn định, thoải mái tại các văn phòng và khả năng thăng tiến tốt, tương lai của các cử nhân/kỹ sư Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng sẽ ngày càng rộng mở và đầy hứa hẹn !
GV. ThS Ngô Văn Yên
Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng