GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KỸ SƯ VÀ CỬ NHÂN CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ VÀ QUẢN LÝ ĐÔ THỊ – NGÀNH QUẢN LÝ XÂY DỰNG

Trong hơn 30 năm đổi mới và phát triển vừa qua, hệ thống đô thị Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Số lượng các đô thị đã tăng từ 629 đô thị vào năm 1999 lên tới 862 đô thị vào cuối năm 2020tỷ lệ đô thị hóa năm 2025 dự kiến đạt 45%.

Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp.

Cũng chính sự phát triển của hệ thống hạ tầng đô thị đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ an sinh xã hội, đã góp phần cho sự hội nhập có hiệu quả, sâu và rộng của Việt Nam trong các diễn đàn kinh tế nói riêng và thế giới nói chung.

Các đô thị mới tại Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh chóng mặt

Với tốc độ phát triển như vậy, đô thị Việt Nam đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn mang tính căn bản của quá trình đô thị hóa như:

(1) Mô hình tăng trưởng của các đô thị chưa đa dạng; tăng trưởng thiếu bền vững, phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên;

(2) Năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế; diện tích đô thị mở rộng nhanh, kéo theo tình trạng sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả;

(3) Năng lực hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế,

(4) Năng lực và tư duy quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa, giao thông đô thị tăng nhanh, ùn tắc và ô nhiễm môi trường đang phải đối diện với nhiều thách thức.

(5) Đặc biệt là năng lực cán bộ quản lý đô thị còn thiếu và yếu, nguồn lực phân bổ để triển khai đầu tư xây dựng đô thị nhiều nơi còn chưa hợp lý

Tại Việt Nam hiện nay, các trường đại học đào tạo cử nhân, kỹ sư chất lượng chưa đồng đều, đặc biệt là đào tạo mang tính riêng lẻ, đơn ngành. Chưa có một cơ sở nào thực sự đào tạo chuyên sâu quản lý đô thị được tích hợp với quản lý kinh tế đô thị, quản lý xây dựng trong đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với việc quy hoạch trong đô thị như xu thế hiện nay trên thế giới.

Với bề dày truyền thống hơn 20 năm đào tạo ngành Kinh tế và Quản lý đô thị (từ năm 2001), Khoa Kinh tế và QLXD, trường Đại học Xây dựng luôn được xã hội đánh giá cao cùng với sự sáng tạo tiên phong trong việc xây dựng một chương trình đào tạo theo xu hướng tích hợp và hiện đại.

Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng và Trường Đại học Xây dựng hội tụ đủ nguồn lực về đội ngũ giảng viên, cơ sở hạ tầng để có đào tạo chuyên ngành này nhằm cung ứng các Kỹ sư/Cử nhân vừa am hiểu Kỹ thuật – Kinh tế, vừa có năng lực quản lý, đặc biệt là về mảng xây dựng và đô thị, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội, tốc độ đô thị hoá cũng như sự phát kinh tế đất nước trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0.

Quản lý Đô thị thông minh (Smart City)

Chuyên ngành KINH TẾ & QUẢN LÝ ĐÔ THỊ với 02 chương trình đào tạo cho người học linh hoạt lựa chọn:

+ CHƯƠNG TRÌNH CỬ NHÂN (Bằng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Kinh tế và Quản lý đô thị) với thời gian đào tạo được rút ngắn, chỉ còn từ 3.5 – 4 năm, tương đương 130 tín chỉ;

+ CHƯƠNG TRÌNH KỸ SƯ (Bằng tốt nghiệp kỹ sư Kinh tế và Quản lý đô thị, tương đương trình độ Thạc sỹ) với thời gian đào tạo 5 – 5.5 năm (sinh viên học xong chương trình cử nhân, học tiếp 1 – 1.5 năm tương đương 50 tín chỉ để hoàn thành lấy Bằng của chương trình đào tạo Kỹ sư).

So sánh giữa Chương trình đào tạo cũ và Chương trình đào tạo cải tiến hiện nay

Theo khung chương trình mới cho trình độ cử nhân, so với trình độ kỹ sư, sinh viên theo học trình độ này sẽ được rút ngắn một số môn học, giảm bớt các môn về kĩ thuật xây dựng được đánh giá là khó, tập trung vào các môn phục vụ quá trình công tác.

Các khối kiến thức được giảng dạy cho trình độ cử nhân bao gồm:

(1) KHỐI KIẾN THỨC ĐẠI CƯƠNG gồm các môn Toán cao cấp, Tiếng anh cơ bản, các môn Chính trị và Công nghệ thông tin cơ bản;

(2) KHỐI KIẾN THỨC CƠ SỎ NGÀNH VÀ LIÊN NGÀNH gồm các mô như Kinh tế học vi mô, Cơ sở khoa học quản lý, Hình họa – Vẽ kĩ thuật, Cơ kết cấu, Sức bền vật liệu, Cơ đất, Kết cấu Bê tông cốt thép, Kỹ thuật thi công và Hệ thống kĩ thuật công trình;

(3) KHỐI KIẾN THỨC CHUYÊN NGÀNH cả về Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng và Quản lý đô thị như lập và đánh giá hiệu quả dự án xây dựng; lập, thẩm tra và thẩm định dự toán, thanh quyết toán xây dựng công trình đô thị; lập, thẩm tra và thẩm định hồ sơ mời thầu, đấu thầu trong xây dựng đô thị; lập kế hoạch chiến lược sản xuất kinh doanh; xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật các dịch vụ đô thị; định giá và quản lý chi phí trong xây dựng đô thị; tổ chức công trường và chỉ đạo thị công xây dựng công trình đô thị; quản lý đô thị, v.v.

Ngoài các kiến thức, kỹ năng mang tính truyền thống của một kỹ sư kinh tế, sinh viên chuyên ngành Kinh tế và quản lý đô thị còn được trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng rất mạnh về mảng quản lý và pháp luật trong quản lý đô thị mà các ngành kinh tế – kỹ thuật khác không có, giúp cử nhân/kỹ sư sau khi tốt nghiệp không chỉ làm tốt công việc chuyên môn, kỹ thuật mà còn có năng lực điều phối, quản lý, quan hệ, lãnh đạo, kết nối.

Điều này có thể xem là sự bổ sung hoàn hảo cho hình mẫu cử nhân/kỹ sư xây dựng trước nay chỉ biết tới bê tông, cốt thép, gạch, lập dự toán, bóc khối lượng, điền hồ sơ, …

Sinh viên năm nhất ngành Kinh tế & Quản lý Đô thị thực hiện thuyết trình nhóm tìm hiểu về ngành học của mình trong môn học Giới thiệu Ngành

Ngoài ra, trong chương trình đào tạo, sinh viên còn được tham quan, thực tập thực tế tại các công trường, các doanh nghiệp trong xây dựng, các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý đô thị để sinh viên có cơ hội được cọ sát với thực tế, trang bị thêm các kĩ năng mềm để đảm bảo có đủ kiến thức, kỹ năng thực hiện tốt công việc thực tế.

Khoa tổ chức cho SV đi tham quan, thực tập thực tế tại các công trường, các doanh nghiệp trong xây dựng, các cơ quan, đơn vị tham gia quản lý đô thị

Cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở đối với cử nhân/ kỹ sư Chuyên ngành Kinh tế & Quản lý Đô thị tại các vị trí như (i) quản lý nhà nước trong xây dựng đô thị; (ii) xây dựng định mức, đơn giá các dịch vụ đô thị, công trình đô thị; (iii) lập, phân tích dự án đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật, hạ tầng đô thị; (iv) quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật, hạ tầng đô thị; chỉ đạo, triển khai thi công xây dựng công trình trong đô thị, v.v.

Cử nhân/kỹ sư chuyên ngành này cũng hoàn toàn có thể công tác tại các vị trí như đo bóc khối lượng và lập dự toán xây dựng; đấu thầu xây dựng; lập và đánh giá hiệu quả dự án xây dựng; quản lý dự án xây dựng; v.v.

Theo khảo sát của chuyên ngành, 90.5% sinh viên chuyên ngành KInh tế & Quản lý Đô thị có việc làm sau khi ra trường với mức thu nhập trung bình từ 8 – 15 triệu đồng/tháng, số sinh viên còn lại phần đông tiếp tục theo đuổi con đường học vấn sau đại học tại Trường Đại học Xây dựng hoặc tại các cơ sở đào tạo quốc tế.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các loại xuất sắc – giỏi – khá của ngành

THÔNG TIN TUYỂN SINH CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ & QUẢN LÝ ĐÔ THỊ NĂM 2021:

+ Chỉ tiêu tuyển sinh: 100

+ Tổ hợp môn xét tuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Tổ hợp 1 – A00: Toán, Vật lý, Hóa học; Tổ hợp 2 – A01: Toán, Vật lý, Tiếng Anh; Tổ hợp 3 – D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh

– Mã tuyển sinh: XDA24

– Điểm chuẩn trúng tuyển năm 2020: 20 điểm

THÔNG TIN CHI TIẾT VUI LÒNG LIÊN HỆ:

Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng (NUCE)

Địa chỉ: Phòng 318 – 319  Nhà A1, Trường ĐHXD, số 55 Giải Phóng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điện thoại: (024) 3869 1829 | Fax: (024) 3628 4423 | Hotline : 0913.213.513 (Thầy GVC.TS Nguyễn Quốc Toản – Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng)

Email: contact@kinhtexaydung.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/cem.nuce/

Website cung cấp thông tin tuyển sinh của Đại học Xây dựng: http://tuyensinh.nuce.edu.vn/ hoặc Website của Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng: https://kinhtexaydung.nuce.edu.vn/

GV.ThS Ngô Văn Yên

Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng