Kinh tế xây dựng là ngành kinh tế – kỹ thuật với những công việc cụ thể như tài chính, kế toán, thống kê; công tác lập và thẩm định dự án đầu tư các công trình xây dựng; lập, thẩm tra và thẩm định dự toán, thanh quyết toán xây dựng công trình; định giá và quản lý chi phí; quản lý thi công trên công trường; lập hồ sơ dự thầu, hồ sơ dự thầu;….
Ngành Kinh tế Xây dựng là ngành đào tạo truyền thống có bề dày hơn 50 năm đào tạo của Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng. Đây là một trong những ngành đào tạo luôn luôn được ưu tiên lựa chọn của thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Xây dựng.
1/ Mục tiêu đào tạo:
Đào tạo Kỹ sư Kinh tế xây dựng hội tụ đầy đủ các phẩm chất, kỹ năng như sau:
(1) Phẩm chất đạo đức tốt; có kiến thức khoa học vững vàng trong lĩnh vực Kinh tế xây dựng;
(2) Có kỹ năng chuyên môn tốt; năng lực thực hành chuyên nghiệp và phẩm chất cá nhân cần thiết;
(3) Đủ khả năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề chuyên môn và nghiên cứu một cách độc lập, sáng tạo;
(4) Có kỹ năng thu nhận, xử lý và truyền đạt thông tin;
(5) Có kỹ năng giao tiếp XH cần thiết để làm việc hiệu quả trong nhóm ngành, đa ngành và trong môi trường quốc tế;
(6) Có khả năng ứng dụng tin học và ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn.
2/ Chương trình đào tạo mới được cải tiến
Với mục tiêu đào tạo để đáp ứng những công việc cụ thể nêu trên dành cho Kỹ sư Kinh tế xây dựng, chương trình đào tạo mới được chia ra thành 02 hệ với thời lượng 3.5 – 4 năm cho Hệ Cử nhân hoặc 5 – 5.5 năm cho Kỹ sư hay Thạc sĩ.
Có 02 mô hình mà sinh viên có thể lựa chọn, đó là:
(1) MÔ HÌNH TUẦN TỰ với quá trình đào tạo gồm 02 giai đoạn (Cử nhân và Kỹ sư)
(2) MÔ HÌNH TÍCH HỢP (đào tạo với một chương trình tích hợp cho cùng 1 ngành) đã được xây dựng và bắt đầu triển khai thực hiện từ Khóa 65.
3/ Điều gì tạo nên sự khác biệt của Chương trình đào tạo Kỹ sư/Cử nhân Ngành Kinh tế Xây dựng do Khoa KT&QLXD đào tạo?
3.1/ Khoa học trong việc xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo và bố trí các môn học
Chương trình đào tạo mới được đánh giá là phù hợp với quy định hiện hành, đồng thời hướng tới người học để nâng cao giá trị của văn bằng kỹ sư truyền thống, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Với chương trình này, những môn học không thực sự liên quan trực tiếp đến chuyên môn sẽ được rút gọn hoặc bỏ hẳn hơn để đầu tư thêm thời lượng cho khối kiến thức cơ sở ngành, liên ngành và chuyên ngành – Vốn là những kiến thức rất cần thiết để sinh viên có thể bắt đầu làm việc ngay sau khi nhận bằng Cử nhân Kinh tế xây dựng.
3.2/ Đội ngũ giảng viên Khoa Kinh tế & Quản lý Xây dựng tận tâm, nhiệt tình với kinh nghiệm giảng dạy dày dặn
Những môn học quan trọng của ngành Kinh tế xây dựng chính là điểm quyết định sự khác biệt của sinh viên do Khoa KT&QLXD đào tạo so với sinh viên những chuyên ngành khác trong trường Đại học Xây dựng, thậm chí là với sinh viên chuyên ngành Kinh tế xây dựng của một số trường đại học khác cùng tuyển sinh.
Các môn học quan trọng sẽ được các thầy cô có trình độ từ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư với kinh nghiệm dày dặn trực tiếp giảng dạy như Kinh tế đầu tư, Kế toán, Tài chính, Kế hoạch dự báo, Quản lý dự án, Định giá sản phẩm xây dựng, Marketting trong xây dựng…
Với phương châm “Học đi đôi với hành”, các môn học chuyên ngành quan trọng luôn được bố trí đồ án môn học (phần thực hành) đi kèm với học phần lý thuyết để tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được luyện tập ngay những kiến thức vừa học, từ đó đào sâu suy nghĩ, phát triển, ghi nhớ và có khả năng vận dụng những kiến thức này để sử dụng sau khi ra trường.
Các môn học quan trọng cho ngành, như Kinh tế xây dựng và nghiệp vụ đấu thầu, Kinh tế đầu tư, Tổ chức xây dựng, Định mức kỹ thuật… cho tới đồ án tốt nghiệp trước khi sinh viên ra trường, đều được Khoa đầu tư và đảm bảo chất lượng giảng dạy tốt nhất dành tới cho các em sinh viên.
Mỗi giờ đồ án môn học và đồ án tốt nghiệp, sinh viên theo học tại Khoa Kinh tế & QLXD đều được các thầy cô giảng viên hướng dẫn và chỉ bảo tận tình.
Trong quá trình làm đồ án, giảng viên không chỉ cung cấp cho sinh viên những kiến thức lý thuyết mà còn giới thiệu, trang bị cho SV những ví dụ thực tế, cập nhật những công nghệ và ứng dụng tiên tiến nhất đang được ứng dụng trong lĩnh vực đó.
4/ Ngành Kinh tế Xây dựng phù hợp với đối tượng sinh viên nào?
Ngành Kinh tế xây dựng là phù hợp với các bạn yêu thích khoa học về kỹ thuật và quản lý, kinh tế. Các kiến thức về kỹ thuật, công nghệ xây dựng và quản lý kinh tế là điểm nổi trội của ngành Kinh tế xây dựng mà không ngành kỹ thuật xây dựng nào có được.
Bên cạnh đó, khả năng tư duy logic, tư duy phán đoán, kỹ năng phân tích, tổng hợp cùng với kỹ năng giao tiếp và đam mê tìm hiểu tin tức, kinh tế xã hội được coi là một lợi thế khi theo đuổi chuyên môn trong lĩnh vực kinh tế và quản lý xây dựng nói chung, cũng như ngành Kinh tế xây dựng nói riêng.
Chương trình đào tạo mới dành cho kỹ sư Kinh tế xây dựng sẽ phù hợp cho tất cả các đối tượng sinh viên với những nhu cầu việc làm trong tương lai khác nhau, từ làm việc cho các công ty xây dựng, các công ty tư vấn xây dựng cho tới các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, các cơ quan sở-ban-ngành xây dựng, cho tới cả những sinh viên có ý muốn tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu lĩnh vực xây dựng ở trong và ngoài nước.
THÔNG TIN TUYỂN SINH CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ XÂY DƯNG NĂM 2021:
+ Chỉ tiêu tuyển sinh: 400
+ Tổ hợp môn xét tuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Tổ hợp 1 – A00: Toán, Vật lý, Hóa học; Tổ hợp 2 – A01: Toán, Vật lý, Tiếng Anh; Tổ hợp 3 – D07: Toán, Hóa học, Tiếng Anh
+ Mã tuyển sinh: XDA23
THÔNG TIN CHI TIẾT VUI LÒNG LIÊN HỆ:
Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng (NUCE)
Địa chỉ: Phòng 318 – 319 Nhà A1, Trường ĐHXD, số 55 Giải Phóng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Điện thoại: (024) 3869 1829 | Fax: (024) 3628 4423 | Hotline : 0913.213.513 (Thầy GVC.TS Nguyễn Quốc Toản – Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng)
Email: kinhtequanly@nuce.edu.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/cem.nuce/
Website cung cấp thông tin tuyển sinh của Đại học Xây dựng: http://tuyensinh.nuce.edu.vn/ hoặc Website của Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng: https://kinhtexaydung.nuce.edu.vn/