Khoa Kinh tế & Quản lý Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng không chỉ quan tâm đến việc liên tục nâng cao, đổi mới chương trình đào tạo của mình hằng năm mà còn đặc biệt luôn chú trọng và tạo điều kiện tốt nhất để toàn bộ các bạn sinh viên theo học tại Khoa có được trải nghiệm về nghề nghiệp xây dựng sớm và đầy đủ nhất. Một trong số những hoạt động thiết thực và rất được các sinh viên mong chờ như vậy của Khoa KT&QLXD, phải kể đến là đợt “THỰC TẬP CÔNG NHÂN” dành cho tất cả các sinh viên cuối năm thứ 3.
Đợt thực tập công nhân thường diễn ra khi các sinh viên kết thúc năm học thứ 3 tại Trường và thường kéo dài trong 4 – 5 tuần hè. Mỗi đợt thực tập công nhân, Khoa luôn phân công các giảng viên trẻ, nhiệt tình và nhiều kinh nghiệm sẽ có trách nhiệm theo sát, hướng dẫn, chỉ bảo và quản lý các sinh viên trong suốt khoảng thời gian sinh viên đi thực tập.
Cuối mỗi đợt thực tập, các sinh viên cần nộp và bảo vệ báo cáo thực tập của mình trước hội đồng gồm các thầy cô trong Khoa, Bộ môn chuyên môn
Tham gia đợt thực tập công nhân này, các sinh viên sẽ có điều kiện trao đổi, học hỏi, tăng trưởng kiến thức chuyên môn trong môi trường làm việc thực tế; đảm bảo việc “học đi đôi với hành”; đồng thời công trường xây dựng cũng là môi trường lý tưởng để mỗi sinh viên có thể rèn luyện, phát triển tính kỷ luật và tác phong làm việc, lao động chuyên nghiệp.
+ Về mặt chuyên môn:
Các bạn sinh viên năm thứ 3 đã học xong cơ bản các môn học về kỹ thuật xây dựng. Để nắm chắc hơn các lý thuyết đã học về xây dựng cũng như để rèn luyện, hoàn thiện và nâng cao tay nghề, sinh viên cuối năm 3 học tại Khoa Kinh tế & Quản lý Xây dựng đều có cơ hội tham gia vào đợt đi thực tế xuống các công trường xây dựng trong địa bàn thành phố Hà Nội để tham quan và thực tập tay nghề công nhân dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của các giảng viên trong Khoa.
Các sinh viên đi thực tế sẽ có điều kiện để tìm hiểu các công việc thực tế mà một người công nhân phải thực hiện trên công trường xây dựng; nắm được các thành phần công việc trong một quá trình xây dựng hay trong một số công tác xây dựng chủ yếu (công tác bê tông; cốt thép, cốp pha, xây – trát…); đồng thời tìm hiểu và nắm vững được các công việc và thao tác của người công nhân xây dựng trong thực tế ứng với từng công tác tương ứng.
Đợt thực tập cũng là dịp để mỗi sinh viên so sánh, đối chiếu các lý thuyết đã học trên lớp với cách vận hành, thao tác thực tế ngoài công trường. Trên cơ sở đó giúp sinh viên củng cố lý thuyết, chuẩn bị những phẩm chất cần thiết của một người cán bộ tổ chức quản lý công trường trong tương lai gần.
+ Về mặt chính trị:
Công trường xây dựng là một nơi rất tốt để sinh viên có thể rèn luyện kỷ luật và tác phong của người lao động mới, có điều kiện tiếp xúc với công nhân xây dựng một cách dễ dàng hơn, từ đó có thể học hỏi kỹ năng làm việc của người công nhân trên công trường xây dựng. Những việc làm đó cũng chính là phương pháp đào tạo của Khoa Kinh tế & QLXD cũng như của trường Đại học Xây dựng, rằng “Lý thuyết đi đôi với thực tế – Học đi đôi với Hành” nhằm đào tạo ra người kỹ sư xây dựng đáp ứng được những đòi hỏi và yêu cầu cao từ phía thị trường và các nhà tuyển dụng dù là khó tính nhất !
Khoa Kinh tế & Quản lý Xây dựng – Điểm đến của Thành công đang chờ đón tất cả các bạn !