Có lẽ đây là câu hỏi không chỉ dành riêng cho các kỹ sư xây dựng mà còn cho tất cả lãnh đạo, nhân viên các công ty muốn tham gia các gói thầu sử dụng vốn nhà nước/ gói thầu sử dụng vốn ngoài nhà nước nhưng áp dụng các quy định trong Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà thầu xây dựng/ nhà thầu cung cấp dịch vụ. Để trở thành chuyên gia đấu thầu, theo quy định của pháp luật, điều kiện cần có là cá nhân đó phải tốt nghiệp đại học, có chứng chỉ hành nghề đấu thầu và hơn hết là phải am hiểu các quy định của pháp luật, nắm chắc quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu.
Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng – Đại học Xây dựng là địa chỉ uy tín đào tạo các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực quản lý xây dựng nói chung và quản lý hoạt động đấu thầu nói riêng trên khắp cả nước. Nhiều chuyên gia đang công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước như Cục quản lý hoạt động đấu thầu – Bộ Kế hoạch Đầu tư, Trưởng các Ban quản lý dự án chuyên ngành tại các tỉnh/ thành phố, giảng viên các lớp nghiệp vụ đấu thầu và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực đấu thầu là cựu sinh viên của Khoa.
Trong quá trình học tại trường, sinh viên Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng được trang bị các kiến thức chuyên môn về định mức, định giá xây dựng, các biện pháp kỹ thuật – công nghệ và tổ chức xây dựng, phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế của các phương án thi công xây dựng và kiến thức về pháp luật đầu tư xây dựng.
Chuyên môn nghiệp vụ về đấu thầu còn được trang bị qua các đồ án môn học (giảng viên lấy công trình thực tế làm đề bài giao cho sinh viên thực hiện) như đồ án Kinh tế xây dựng, đồ án Định mức, đồ án Tổ chức xây dựng. Qua đó sinh viên được “thực chiến”, đúc rút và tích lũy kinh nghiệm về quy trình, nghiệp vụ đấu thầu. Thực tế nhiều năm cho thấy, khi được nhận đồ án tốt nghiệp, rất nhiều sinh viên lựa chọn loại đồ án “Lập hồ sơ dự thầu gói thầu thi công” một công trình cụ thể. Không những vậy, trong quá trình đi thực tập tốt nghiệp tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, các sinh viên cũng được giảng viên và các cán bộ có nhiều kinh nghiệm tại nơi thực tập hướng dẫn về quy trình đấu thầu, cách lập hồ sơ dự thầu một gói thầu cụ thể. Qua đó giúp sinh viên vừa nắm chắc lý thuyết, vừa được trải nghiệm với những gói thầu thực tế.
Kỹ sư tốt nghiệp Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng luôn được lãnh đạo tin tưởng giao phó các nhiệm vụ quan trọng, chẳng hạn: thẩm định quá trình lựa chọn nhà thầu (trường hợp công tác tại các đơn vị là chủ đầu tư); lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu (tổ chuyên gia đấu thầu); chủ trì việc lập hồ sơ dự thầu (trong trường hợp là đơn vị thi công, đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn xây dựng),..
Để được trở thành tổ trưởng/ thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, cá nhân đó phải có đạo đức nghề nghiệp, phải công tâm đánh giá từng hồ sơ dự thầu, giúp cho chủ đầu tư lựa chọn được nhà thầu phù hợp nhất với gói thầu, tiết kiệm chi phí. Với các nhà thầu thi công xây dựng, việc trúng các gói thầu mà doanh nghiệp tham gia quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó.
Vì vậy vị trí trong các tổ chức của các kỹ sư tốt nghiệp các chuyên ngành của Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng là vô cùng quan trọng, nhiều cơ hội phát triển bản thân với vị trí công tác và mức thu nhập tương xứng.