1. Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đinh Đăng Bách
2. Tóm tắt nội dung đề tài
Hợp đồng Thiết kế – Cung cấp thiết bị công nghệ – Thi công xây dựng công trình, (gọi tắt là hợp đồng EPC) là hình thức HĐ đã và đang được sử dụng khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng việc áp dụng hình thức hợp đồng EPC mang lại không ít những lợi ích cho CĐT, nhà thầu cũng như cho nền kinh tế. Nhiều dự án/gói thầu thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC được đưa vào khai thác sử dụng cho chất lượng tốt; rút ngắn được thời gian thực hiện; giảm chi phí quản lý của CĐT… Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều dự án/gói thầu áp dụng hình thức hợp đồng EPC không đạt được mục tiêu kỳ vọng ban đầu như chậm tiến độ, tăng chi phí so với dự kiến, chất lượng công trình không đạt được như mong muốn…
Nhiều nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế cũng như sự không thành công của những dự án/gói thầu thực hiện theo hợp đồng EPC trên thực tế được chỉ ra như năng lực của nhà thầu EPC không đáp ứng yêu cầu; các quy định pháp luật chưa thật chặt chẽ gây lúng túng cho CĐT trong quá trình quản lý hợp đồng EPC…
Đề tài “Phân tích thực trạng thực hiện hợp đồng EPC và khuyến nghị các giải pháp hoàn thiện quản lý hợp đồng EPC ở Việt Nam” đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng thực trạng áp dụng hợp đồng EPC; thực trạng lựa chọn nhà thầu EPC; thực trạng công tác lập, thương thảo, ký kết hợp đồng EPC và thực trạng quản lý hợp đồng EPC của CĐT dự án; từ đó chỉ ra những điểm còn hạn chế, tồn tại và nguyên nhân cụ thể của các thực trạng đó. Từ đó, tác giả đã đề xuất một số giải pháp cho vấn đề nghiên cứu. Cụ thể, đề tài đã thực hiện một số nội dung sau: (i) Tổng quan các nghiên cứu trong và ngoài nước về Hợp đồng EPC và quản lý hợp đồng EPC; (ii) Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về hợp đồng EPC và quản lý hợp đồng EPC của CĐT; (iii) Phân tích khách quan thực trạng áp dụng Hợp đồng EPC ở Việt Nam và chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục; (iv) Khuyến nghị các giải pháp hoàn thiện thể chế và hoàn thiện quản lý hợp đồng EPC của CĐT dự án xây dựng ở Việt Nam. Cụ thể là:
– Đề xuất giải pháp hoàn thiện công tác quản lý hợp đồng EPC của CĐT: (i) Nhóm giải pháp hoàn thiện công tác lập, thương thảo, ký kết hợp đồng EPC của CĐT; (ii) Giải pháp nâng cao khả năng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng EPC của chủ đầu tư Việt Nam đối với nhà thầu EPC; (iii) Giải pháp nhằm nâng cao trình độ, năng lực của CĐT Việt Nam trong công tác quản lý hợp đồng EPC.
– Khuyến nghị hoàn thiện thể chế về lựa chọn nhà thầu EPC và về hỗ trợ tài chính cho nhà thầu EPC trong nước: (i) Khuyến nghị với cơ quản quản lý nhà nước đối với việc hoàn thiện thể chế về lựa chọn nhà thầu EPC; (ii) Khuyến nghị với các ngân hàng cho vay vốn trong nước trong việc cho vay vốn cho nhà thầu EPC trong nước.
Các giải pháp hoàn thiện công tác quản lý hợp đồng EPC của CĐT dự án được tác giả đề xuất trong đề tài nghiên cứu không chỉ áp dụng được cho các CĐT dự án sử dụng vốn nhà nước mà đồng thời còn là tài liệu hữu ích, có giá trị để tham khảo áp dụng cho các CĐT dự án sử dụng vốn khác tại Việt Nam.